Nhiều doanh nghiệp Thái đầu tư 'khủng' vào VN
Những năm gần đây, bản đồ thu hút vốn nước ngoài của Việt Nam xuất hiện nhiều hơn những cái tên đến từ quốc gia láng giềng Thái Lan, trong cả khu vực đầu tư trực tiếp (FDI) cũng như trên thị trường mua bán – sáp nhập (M&A).
Từ giữa năm 2012, Nawaplastic Industries (Saraburi), công ty chuyên sản xuất và phân phối ống nhựa của Thái Lan và có liên hệ với một đại gia khác của nước này là Tập đoàn Siam Cement (SCG - kinh doanh lĩnh vực vật liệu xây dựng) gây bất ngờ cho giới đầu tư khi hoàn tất việc nắm 22,7% cổ phần của Công ty Nhựa thiếu niên Tiền Phong (NTP) và 16,7% cổ phần của Nhựa Bình Minh (BMP). Đây là 2 công ty chiếm lĩnh thị trường ống nhựa ngoài Bắc và trong Nam. Cũng trong lĩnh vực này, Prime Group - ông lớn nắm 20% thị phần gạch Việt Nam cũng bị SCG mua lại 85% cổ phần.
Nhà đầu tư Thái Lan nhắm lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Ảnh: Trí Tín. |
Ngành bán lẻ của Việt Nam hiện cũng thu hút nhà đầu tư Thái Lan. Trao đổi vớiVnExpress.net, bà Busaba Butrat, Tham tán thương mại Sứ quán Thái Lan nhận xét, thị trường Việt Nam đang rất thu hút các các doanh nghiệp nhỏ và vừa nước này do lợi thế dân số trẻ, có khả năng chi tiêu dùng ngay. “Một số hãng siêu thị lớn đang tìm hiểu và đánh giá thị trường Việt Nam rất hấp dẫn để đầu tư”, bà nói.
Điều này được thể hiện qua việc tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi tuyên bố sẽ đầu tư 3 tỷ bath (2.000 tỷ đồng) để thiết lập mạng lưới kinh doanh phân phối và bán lẻ tại Việt Nam. Và chuỗi siêu thị Family Mart - vốn là liên doanh giữa Tập đoàn Phú Thái và nhà đầu tư Nhật Bản đã được nhà đầu tư này ngắm đến.
Không chỉ nổi lên với các thương vụ góp vốn, mua cổ phần theo dạng M&A, nhà đầu tư Thái Lan còn đổ hàng tỷ USD theo hình thức đầu tư trực tiếp (FDI) vào ngành năng lượng Việt Nam, vốn trước giờ là lãnh địa của các tập đoàn Nhà nước.
Chẳng hạn, Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đã được chấp thuận chủ trương thực hiện dự án lọc hóa dầu tại Bình Định, vốn đầu tư có thể lên tới 30 tỷ USD. Nếu được hoàn thành, đây sẽ là dự án FDI lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Hay mới đây, Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATI) cũng tuyên bố xây nhà máy nhiệt điện hơn 2 tỷ USD tại Quảng Trị.
Như vậy, có thể thấy Thái Lan đang dồn dập đổ vốn vào các lĩnh vực năng lượng, sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc nguồn lực ở đâu khiến nhà đầu tư đến từ xứ chùa Vàng liên tiếp tham gia vào các dự án khủng như trên.
Trước vấn đề này, một chuyên gia phân tích tài chính doanh nghiệp nêu quan điểm, Thái Lan hiện có những nhiều tập đoàn lớn với tiềm lực tài chính rất mạnh như PTT, SCG đang rất muốn chiếm lĩnh thị trường bên ngoài để gia tăng sức mạnh. "Với một thị trường trong nước chật chội mà nhìn xung quanh thì chỉ còn Việt Nam và Myanmar đáng đầu tư, do đó không lý do gì họ lại không nhắm tới các dự án, doanh nghiệp tại đây", vị này nói
Liên quan đến vấn đề trên, trả lời phỏng vấn trên tờ Wall Street Journal, Yungdyong Thantiviramanon, chuyên viên tư vấn doanh nghiệp tại hãng Baker Tilly Thailand cũng nhận định: “Các tập đoàn Thái Lan như PTT và SCG đang nắm nhiều tiền mặt trong tay và vì thế họ ở vị thế tốt hơn để thực hiện các thương vụ M&A ở nước ngoài”.
Theo báo cáo tài chính năm 2012, bên cạnh khối tài sản khổng lồ, PTT còn sẵn khoản tiền và các khoản tương đương tiền lên tới 20,8 tỷ bath (650 triệu USD, tương đương 13.700 tỷ đồng), trong khi của SCG là khoảng 25 tỷ bath (tương đương 780 triệu USD, bằng 16.500 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Thái Lan còn có nhiều tỷ phú đang muốn vươn tầm ra thế giới, sau khi thị trường trong nước có vẻ như chật chội. Thống kê từ Dealogic cho thấy tỷ phú giàu nhất Thái Lan Dhanin Chearavanont chiếm phần lớn các thương vụ M&A trong thời gian qua. Ngay tại Việt Nam, đầu năm 2011, C.P Pokphand - công ty con của CP Group do tỷ phú này nắm giữ đã chi hơn 600 triệu USD mua cổ phần của C.P Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.
“Một số các ông trùm là những doanh nhân có ảnh hưởng nhất trong khu vực", Eka Nirapathpongporn, giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Lazard bày tỏ.
Tuy nhiên, có thể thấy doanh nghiệp Thái Lan chủ yếu đầu tư vào Việt Nam các lĩnh vực sản xuất, nguyên vật liệu, năng lượng. "Đây vốn là những thế mạnh của doanh nghiệp Thái Lan do đó khi mở rộng đầu tư ra nước ngoài, họ có thể dễ dàng chiếm lĩnh thị phần", vị chuyên gia phân tích doanh nghiệp nói. Với lĩnh vực năng lượng, do trong nước hạn chế tài nguyên cùng với những yêu cầu về môi trường nên họ cần tìm một quốc gia khác để thực hiện, trong đó Việt Nam là một lựa chọn.
Huyền Thư
Các bài viết khác
- Ứng dụng của công nghệ sơn tĩnh điện (29.08.2013)